Chính trị

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Long An(30/4/1975 - 30/4/2025)

18/04/2025 09:54:27AM
Màu chữ Cỡ chữ

Trưa ngày 30/4/1975 ở tỉnh Long An và sáng ngày l/5/1975 ở tỉnh Kiến Tường, quân và dân ta bằng cuộc tông tiến công và nổi dậy đồng loạt, đã buộc toàn bộ chính quyền địch đầu hàng vô điều kiện, giành toàn thắng cùng với miền Nam và cả nước

I. BỐI CẢNH DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA SỰ KIỆN GIẢI PHÓNG TỈNH LONG AN

1. Bối cảnh lịch sử

Ngày 27/01/1973 hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Cuộc tiến công chiến lược xuân hè 1972 và việc Mỹ phải ký hiệp định Paris đã đánh dấu thất bại nghiêm trọng của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chính quyền ngụy quyền Sài Gòn vẫn ngoan có công khai phản đối Hiệp định, tiếp tục lấn đất giành dân, gây thêm nhiều tội ác. Tháng 2/1973, Tỉnh ủy Long An ra chỉ thị “đẩy mạnh tiến công chính trị, binh vận, kết hợp đấu tranh bằng pháp lý của hiệp định”. Tháng 4/1973, địch thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” phá hoại hiệp định, đánh lên cả vùng biên giới Ba Thu - Đức Huệ. Tháng 8/1973 Long An do Khu 8 lãnh đạo (từ năm 1971-1973 thuộc Khu 7). Sau khi quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 và Nghị quyết 12 của Trung ương Cục, Tỉnh ủy chủ trương “đẩy mạnh tiến công địch toàn diện, phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân bằng phương thức hai chân, ba mũi”, ra sức tiến công địch, đi đôi với hoạt động nổi dậy diệt ác, phá kềm, phát triển sâu rộng phong trào đấu tranh chính trị - binh vận trong vùng tạm bị chiếm. Quần chúng liên tục đấu tranh, nhổ cờ địch, cắm cờ cách mạng, kiên quyết giữ đất, làm binh vận bẻ gãy nhiều cuộc càn quét lấn chiếm. Cuối năm 173, ở bắc lộ 4 ta đã khôi phục và tạo ra được vùng giải phóng liên hoàn dọc theo hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây; ở nam lộ 4 đã mở ra được nhiều lõm căn cứ ở Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Cần Giuộc. Các huyện của Long An đều có từ 1 đến 2 trung đội du kích, 66/88 xã có du kích mạnh, 75/88 xã có chi bộ Đảng. Ở Kiến Tường năm 1974, quân dân ta làm chủ lại hầu hết các vùng 4, 6, 8. Với trận Tuyên Nhơn (từ ngày 06 đến ngày 28/12/1974) quân giải phóng cùng đồng bào vùng dậy phá tan hàng loạt đồn bót, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch, mở màn thuận lợi cho chiến dịch Đông Xuân 1974 - 1975 ở chiến trường khu Trung Nam Bộ.

2. Diễn biến

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy với các chủ trương và kế hoạch tổng hợp nhằm huy động sức mạnh cả nước cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân ủy Trung ương chọn Tây Nguyên làm chiến trường mở màn. Đầu năm 1975 tin chiến thắng Bình Long, Phước Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ làm nức lòng quân dân Long An-Kiến Tường và cả nước. Ngày 9/3/1975, Tỉnh ủy Long An chỉ đạo Tiểu đoàn 1 Long An tiêu diệt Tiểu đoàn 333 bảo an ngụy Ở An Thạnh (Bến Lức), giữ vững vùng giải phóng bắc Long An. Ngày 20/3/1975, Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với lực lượng của cấp trên tiêu diệt căn cứ quân sự Quéo Ba - một trong số căn cứ quân sự quan trọng sau cùng của Mỹ - ngụy trên đất Long An. Ngày 30/3/1975 ta giải phóng hoàn toàn huyện Đức Huệ lần thứ 3. Lực lượng địa phương cùng với trung đoàn 3, sư đoàn 5 thuộc binh đoàn 232 “quét sạch” các đồn bót hai bên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông từ An Ninh, Lộc Giang xuống Tân Phú, mở mảng tiến về thành phố. Ở phía nam lộ 4, tiểu đoàn 45 và đại đội 25 đặc công cùng bộ đội địa phương tiến công địch ở vùng hạ Châu Thành và Tân Trụ. Ngày 25-3-1975 sư đoàn 5 của binh đoàn 232 tiến đánh trung đoàn 11 sư đoàn 7 ngụy ở Thủ Thừa, cắt đứt quốc lộ 4.

Đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm “Nắm vững thời cơ chiến lược... thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất...”. Quán triệt chỉ thị của cấp trên, đảng bộ Long An chỉ đạo tập trung lực lượng nhanh chóng mở bàn đạp từ Quơn Long (Chợ Gạo) sang Cần Đước, Cần Giuộc, sẵn sàng phối hợp với chủ lực Miền, hình thành mũi tấn công vào Sài Gòn từ hướng nam. Từ ngày 03 đến ngày 10/4/1975 quân dân ta giải phóng một loạt xã thuộc địa bàn Châu Thành (An Lục Long, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ) mở đường phối hợp với trung đoàn 88 Quân khu 8 tấn công sang Tân Trụ, diệt 20 đồn bót, giải phóng tiếp 15 xã ở vùng hạ Tân Trụ và thượng Cần Đước, hạ Cần Giuộc.

Ngày 14/4/1975 Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tháng 4/1975, cùng với các mũi nhọn của sư đoàn 5, chủ lực miền, quân dân Long An - Kiến Tường được 2 Tỉnh ủy chỉ đạo chính thức bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong tỉnh với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Ở Kiến Tường, tiểu đoàn 504 bám mục tiêu Kinh Quận được lệnh theo lộ Bắc Hòa đánh về tỉnh ly Mộc Hóa. Phong trào dân công hỏa tuyến, tải đạn, tải thương, làm binh vận lên cao chưa từng có ở khắp các huyện, nhất là Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước... Sáng ngày 26/4, quân ta bắt đầu tiến công vào sư đoàn 25 ngụy đang cố thủ ở Bến Lức và thị xã Tân An; địch chống trả quyết liệt đến chiều nhưng sau đó chúng bắt đầu phải co cụm và tháo chạy hoảng loạn. Một bộ phận lực lượng vũ trang Long An phối hợp với lực lượng cấp trên tiến vào thành phố Sài Gòn tham gia đánh chiếm quận 8, lộ 5, tổng nha cảnh sát, bến cảng Nhà Rồng... Trận cao điểm ở Thủ Thừa, từ ngày 7 đến 30/4/1975, quân ta tiến công sư đoàn 22 ngụy, địch kháng cự quyết liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ và đồng bào tiếp tục ngã xuống trước ngày đại thắng, cuối cùng lực lượng cách mạng đã áp đảo và làm tan rã tại chỗ 4.000 ngụy quân, ngụy quyền.

Ngày 28/4/1975, sư đoàn 3 của binh đoàn 232 tiến công giải phóng chi khu Hậu Nghĩa, tiếp đó giải phóng hoàn toàn huyện Đức Hòa và các huyện phía nam. Đêm 29/4/1975 ta chặn đánh lữ đoàn 4 kỵ binh thiết giáp ngụy đóng ở Mộc Hóa. Trưa ngày 30/4/1975 ở tỉnh Long An và sáng ngày l/5/1975 ở tỉnh Kiến Tường, quân và dân ta bằng cuộc tông tiến công và nổi dậy đồng loạt, đã buộc toàn bộ chính quyền địch đầu hàng vô điều kiện, giành toàn thắng cùng với miền Nam và cả nước[1].

Tổng kết ngay sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên đất Long An - Kiến Tường có 26.929 liệt sĩ ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đổi lại, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân Long An và Kiến Tường cùng với lực lượng của khu, của miền loại khỏi vòng chiến đấu 52.000 tên địch, giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang chung của cả nước. Trong suốt thời gian tham gia tổng tấn công và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Long An, Kiến Tường đã lãnh đạo trực tiếp và toàn diện cuộc kháng chiến trên địa phương mình. Cùng với nỗ lực của toàn quân, toàn dân, Đảng bộ Long An, Kiến Tường đã hoàn thành xuất sắc tất cả những nhiệm vụ được giao là phục vụ chiến đấu, tự giải phóng và trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Đó là đóng góp lớn lao, là vinh dự và niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Long An, Kiến Tường trong cuộc kháng chiến chốn Mỹ, cứu nước.

3. Ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm

3.1. Ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của quân và dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả quan trọng, góp vào thành quả chung vĩ đại nhất của đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc. Long An đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc[2].

3.2. Nguyên nhân thắng lợi

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu:

Một là, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, quân sự, độc lập, tự chủ đúng đắn và sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với mỗi giai đoạn kháng chiến của Đảng bộ Long An.

Hai là, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân cả nước, quân và dân Long An, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt.

Ba là, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí và hành động; của lòng yêu nước nồng nàn - khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của đồng bào ta.

Bốn là, lòng trung thành tuyệt đối và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân. 

3.3. Bài học kinh nghiệm

Chiến tranh nhân dân chống Mỹ ở Long An đã phát triển đến đỉnh cao với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đó là thành công lớn nhất về mặt lãnh đạo của Đảng bộ Long An. Từ thực tế đó có thể rút ra một số kinh nghiệm cụ thể của cuộc kháng chiến chống Mỹ như sau: (1) Vận dụng linh hoạt đường lối trong đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận. (2) Xem trọng hoạt động vũ trang là môi trường tốt nhất để rèn luyện, đào tạo, phát triển đội ngũ đảng viên. (3) Phát động và lãnh đạo hiệu quả phong trào “Toàn dân đánh giặc”. (4) Xây dựng lực lượng vũ trang toàn diện cả về chính trị và khả năng chiến đấu. (5) Xây dựng vững chắc căn cứ địa cách mạng[3].

II. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH LONG AN SAU 50 NĂM GIẢI PHÓNG (30/4/1975 - 30/4/2025)

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong kháng chiến, từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, với ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Long An ra sức khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tập trung xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Sau 50 năm giải phóng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Long An không ngừng vươn lên trong quá trình đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế, thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, hạch toán trong sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung sức người, sức của xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phân bổ lại lao động, đất đai, thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp và xây dựng các khu, cụm công nghiệp.

Qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiều chủ trương lớn có tính đột phá, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (1976 - 1980), Long An vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, sản xuất ổn định đời sống, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai (1980 - 1983), Long An thực hiện cơ chế “một giá”, xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế của Đảng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (1983 - 1986), Long An thực hiện chương trình khai mở vùng Đồng Tháp Mười, biến Đồng Tháp Mười từ một vùng hoang hóa, kém phát triển thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh.

Trong các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh tiếp theo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, chương trình đột phá về kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định 3 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh và các công trình trọng điểm: Hoàn thiện Đường Vành đai thành phố Tân An; Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830); Đường tỉnh 827E (đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến sông Vàm Cỏ Đông).

Các công trình trọng điểm, chương trình đột phá về kinh tế - xã hội nói trên đã tạo động lực mạnh mẽ đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 9,11%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng (cơ cấu kinh tế 3 khu vực I, II, III năm 2020 lần lượt là 15,3% - 52,1% - 32,6%). Đời sống người dân ngày càng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 77 triệu đồng, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015. Đến năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 107,3 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước ước hết năm 2024 đạt 25.831 tỷ đồng, đạt 121,3% dự toán tỉnh giao, tăng 27,5% so cùng kỳ. Năm 2025, tỉnh Long An đề ra chỉ tiêu đạt tốc độ GRDP theo giá so sánh năm 2010 đạt 8,5 - 9,0%; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 115 - 120 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước tăng 12% so với năm 2024.

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện, có nhiều mô hình cho hiệu quả cao; hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn.

Với những thành tích to lớn đó, Long An vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất…; hàng trăm tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Danh hiệu cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” đã trở thành biểu tượng trong lòng mỗi người dân Long An và là niềm tự hào to lớn, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp.

Tuy vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức trong quá trình đổi mới, hội nhập, song với ý chí tự lực, tự cường, truyền thống yêu nước, đoàn kết, “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, chắc chắn rằng tỉnh Long An sẽ ngày càng phát triển, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vì lẽ, Đảng và Nhân dân ta luôn có chung một mục tiêu, lý tưởng không bao giờ thay đổi: “Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân”./.

 

[1] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An, 2005, Tóm tắt Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Tỉnh Long An (1930-2005), Cty Cp In Phan Văn Mảng.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN 2004, tập 37, tr457.

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY LONG AN

Các tin khác

  • TP.Tân An: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 2 vào Phường 1 (25/11/2024)
  • Khát vọng xây dựng Thành phố Tân An thành đô thị loại I (09/09/2024)
  • Thành phố Tân An tổ chức lớp Bồi dưỡng Đảng viên mới đợt 1 năm 2024 (07/05/2024)
  • Chủ tịch UBND Tp. Tân An thăm tặng quà người chiến sỹ Điện Biên Phủ (06/05/2024)
  • Khát vọng thịnh vượng xây dựng Thành phố trở thành đô thị loại I (03/05/2024)
  • Bí thư Thành ủy Tân An thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng (26/04/2024)
  • Thành phố Tân An tổ chức lớp Sơ cấp lý luận chính trị năm 2024 (23/04/2024)
  • TP.Tân An: Ông Võ Hồng Thảo được bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026 (01/04/2024)
  • Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Tân An, giai đoạn 2023 – 2025 (21/03/2024)
  • 158 thanh niên thành phố Tân An lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an nhân dân (27/02/2024)
  • Trang đầu 12345678 Trang cuối