Đồng chí Trương Văn Bang - người đảng viên kiên trung, bền bỉ hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc
Đồng chí Trương Văn Bang, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1911 tại làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An); trong một gia đình giàu lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Năm lên 13 tuổi, đồng chí đã theo dượng rể là Chí sĩ Nguyễn An Ninh đi làm liên lạc cho Hội kín Nguyễn An Ninh
Năm 1930, đồng chí Trương Văn Bang được thầy giáo Hồ Văn Long tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8 năm 1930, đồng chí tham gia thành lập Quận ủy đầu tiên ở Cần Giuộc, do đồng chí Nguyễn Văn Út làm Bí thư, đồng chí Trương Văn Bang làm Phó Bí thư.
Năm 1931, đồng chí được bầu làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn. Cuối năm 1932, phong trào đấu tranh của công nông và các tầng lớp khác tạm lắng xuống. Hầu hết các cấp ủy và nhiều cơ sở bị phá đi phá lại nhiều lần. Những đồng chí còn lại, chưa bị bắt phải tạm thời nằm im hoặc tạm lánh đi nơi khác. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, các đồng chí lại tìm cách liên lạc, móc nối với nhau để hoạt động trở lại. Quần chúng bất chấp sự khủng bố, đe dọa của địch, vẫn sẵn sàng bảo vệ, nuôi dưỡng các đồng chí. Bắn giết, tù đày cũng không thể tiêu diệt được ý chí cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của những người cộng sản và quần chúng cách mạng.
Tháng 4 năm 1932, tại Sài Gòn, một số đồng chí đã lập lại Xứ ủy lâm thời do đồng chí Hồ Văn Long làm Bí thư. Thành ủy Sài Gòn cũng được lập lại do đồng chí Tạ Đức Đường làm Bí thư. Nhưng chỉ 5 tháng sau, tức là vào tháng 10 năm 1932, do nội bộ có người bị bắt đã khai báo nên tất cả các thành viên Xứ ủy lâm thời và Thành ủy đều bị bắt.
Tháng 10 năm 1932, đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, kế đó phụ trách công tác tổ chức của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đến tháng 5 năm 1933, cùng các đồng chí còn lại móc nối với nhau lập ra Xứ ủy lâm thời do đồng chí Trương Văn Bang (Ba Bang) làm Bí thư Xứ ủy, đồng thời kiêm luôn Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến tháng 2 năm 1934, đồng chí chẳng may lại bị sa vào tay giặc.
Đồng chí trải qua Khám Lớn, rồi địch đày đồng chí ra Côn Đảo với mức án 5 năm tù. Năm 1936, nhờ phong trào đấu tranh của Mặt trận bình dân, đồng chí ra tù nhưng phải “biệt xứ”.
Vừa ra tù, về đất liền, đồng chí tiếp tục lao vào hoạt động và được Xứ ủy tín nhiệm cử làm đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông đi vận động thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một. Trong thời gian này, đồng chí tham gia cho ý kiến chỉ đạo đối phó việc địch đàn áp Phong trào Đại hội Đông Dương; do vậy, mặc dù gặp khó khăn nhưng các Ủy ban Hành động ở những địa phương có cơ sở Đảng, cán bộ vững vàng làm nòng cốt nên vẫn tiếp tục hoạt động[1].
Từ năm 1937 đến năm 1939, đồng chí là Bí thư Liên Tỉnh ủy Biên Hòa - Bà Rịa. Ngày 13 tháng 3 năm 1941, do trong tổ chức có người khai báo, đồng chí lại bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Ở bót Catinat, đồng chí bị địch tra tấn suốt 18 ngày đêm nhưng không khai thác được gì, phải đày đi Căng Tà Lài. Đến năm 1943, đồng chí bị đày tiếp đi Bà Rá. Trong tù, đồng chí cùng các đảng viên cộng sản liên tục đấu tranh với nhóm “đệ tứ”, nhóm Trotsky, để bảo vệ quan điểm đúng đắn của Đảng.
Sau ngày 9 năm 3 năm 1945, đồng chí vượt ngục trở về quê nhà nhằm khôi phục phong trào. Đúng lúc này, phi cơ Hạm đội 3 của Mỹ ném bom xuống Sài Gòn làm chết nhiều người vô tội, trong đó có cả người mẹ và 10 người thân của gia đình đồng chí. Nén đau thương lo việc nước, đồng chí tiếp tục tích cực hoạt động, được bầu lại làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc.
Trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, đồng chí là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn và là thành viên Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh, phụ trách 2 quận Cần Giuộc và Cần Đước. Đồng chí trực tiếp đứng đầu lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở quận Cần Giuộc. Ngày 24 tháng 8, đồng chí Trương Văn Bang, Tài Phú Sửu và Đỗ Phát Thanh chỉ huy lực lượng bao vây dinh quận trưởng, buộc lính mã tà buông súng và buộc quận trưởng phải hạ súng đầu hàng chính quyền cách mạng.
Tháng 9 năm 1945, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời quận Cần Giuộc; sau đó, tổ chức bộ đội và là Chỉ huy trưởng quân sự quận Cần Giuộc. Năm 1946, đồng chí là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 922, thuộc Chi đội 15 - tỉnh Chợ Lớn. Tháng 5 năm 1947, Tiểu đoàn 922 đổi tên là Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh, thuộc Trung đoàn 308 - Trung đoàn Phạm Hồng Thái do đồng chí làm Trung đoàn phó, đồng thời trực tiếp làm Tiểu đoàn trưởng, đơn vị tổ chức nhiều trận đánh Pháp gây tiếng vang lớn cho phong trào cách mạng ở miền Đông Nam Bộ, trong đó có tham gia trận Láng Le - Bàu Cò nổi tiếng ngày 15 tháng 4 năm 1948 ở Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn.
Trong hai năm 1947 - 1948, đồng chí cùng với đồng chí Trương Văn Nhâm (nguyên Xứ ủy viên, Phó Bí thư Quận ủy Cần Giuộc) tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ chiến sĩ ở Rừng Sác. Cuối năm 1948, đồng chí được bầu làm Phân khu Ủy viên Phân khu Duyên Hải, thuộc Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm1949, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 308, thuộc tỉnh Chợ Lớn. Năm 1951, đồng chí làm công tác tổ chức Phân Liên Khu ủy miền Đông Nam Bộ.
Năm 1954, được lệnh của Trung ương, đồng chí tập kết ra Bắc, là cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1959, đồng chí là Chính ủy Nông trường Lam Sơn (Thanh Hóa).
Năm 1962, đồng chí được điều về công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử của Quân đội, với cấp hàm Thượng tá. Đồng chí Trương Văn Bang từ trần vào ngày 31 tháng 12 năm 1981 tại Thành phố Hồ Chí Minh, để lại nhiều dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng cho quê hương Long An và niềm tiếc thương sâu sắc của đồng bào Nam Bộ.
Đồng chí thuộc lớp cán bộ có nhiều công lao “khai sơn phá thạch” cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng Nam Bộ, với cương vị từng là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ở thời điểm thực dân Pháp khủng bố dữ dội phong trào cách mạng, nhiều lần bị địch bắt, tù đày, nhưng đồng chí vẫn kiên cường, bất khuất; liên tục hoạt động, tham gia lãnh đạo tổ chức Đảng, quân đội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương Long An ngày nay, có những con đường, những trường học khang trang được mang tên Nhà Cách mạng Trương Văn Bang. Đó chính là sự ghi ơn công lao to lớn của một bậc cách mạng tiền bối, để các thế hệ con cháu luôn ghi nhớ và tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối.
Các tin khác
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam (18/05/2021)
- Đảng Cộng sản Việt Nam dũng cảm vượt lên chính mình, làm nên lịch sử (04/02/2021)
- Đại hội Đảng XIII và nền tảng khát vọng 100 năm (04/02/2021)
- Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay (24/08/2020)
- Phát huy sức mạnh nội lực từ bài học của Cách mạng Tháng Tám (14/08/2020)
- Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với con đường đi lên CNXH (14/08/2020)
Trang đầu 1 Trang cuối